Một hành trình văn học-nghệ thuật

Ngày đăng: 26/04, 15:34

(GLO)- Sau năm 1975, “gia tài” văn học-nghệ thuật của Gia Lai gần như bằng không. Những tác giả trước đấy từng hoạt động ở vùng đất này thì đã chuyển đi hoặc không sáng tác nữa như: Du Tử Lê, Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Ngọc Kỷ, Vũ Hoàng...

Bấy giờ, các cơ quan liên quan đến văn hóa-xã hội nằm chung trong một cơ quan gồm cả văn hóa, giáo dục, báo, đài, sau mấy năm mới tách dần ra thành từng cơ quan độc lập. Anh em hoạt động sáng tác văn học-nghệ thuật quy tụ về Phòng Văn nghệ thuộc Ty Văn hóa-Thông tin.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật Gia Lai 2016.   Ảnh:  Vinh Quốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật Gia Lai 2016. Ảnh: Vinh Quốc

Thuở ban đầu rất ít và nghiệp dư, tuy thế cũng ra được 2 tập thơ in chung là “Thác nước-Nhịp chày” và “Em vỗ đàn Klông Pút” với các tác giả Kim Tấn, Phan Duy Đồng, Lê Nhược Thủy, Phạm Tiến Soạn, Trần Hậu, Ngô Hồng Vân, Chí Quyết, Cao Tất Tịnh... Các tác giả này bây giờ hầu như không còn ở Gia Lai nữa.

Giai đoạn này, hội họa hoạt động có vẻ mạnh hơn với “lãnh tụ tinh thần” là họa sĩ Xu Man. Ông trực tiếp mở nhiều trại sáng tác, tìm và phát hiện anh em có năng khiếu, đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các trại sáng tác. Các tác giả xuất hiện thời này có Viết Huy, Đặng Việt Triều, Võ Tuấn, Nguyễn Xuân Thảo... bây giờ đã chuyển đi hoặc không sáng tác nữa. Âm nhạc cũng khá sôi nổi với cặp đôi Văn Thìn, Tuấn Kiệt, sáng tác hầu khắp cho các cơ quan, đơn vị và có những ca khúc nổi tiếng như “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên” bây giờ vẫn phát thường xuyên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum.

Người có vai trò lớn nhất, trực tiếp nhất, bao trùm nhất, thiết thực nhất với phong trào văn học-nghệ thuật Gia Lai là ông Trịnh Kim Sung, thủ trưởng đầu tiên của mấy cơ quan hợp nhất từ đầu mà tôi kể trên kia, sau đấy là Trưởng ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai, sau nữa là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai. Chính ông, bằng nhãn quan và khả năng tập hợp của mình, đã quy tụ về Ty Văn hóa tất cả anh chị em có khả năng sáng tác, nâng niu bồi dưỡng họ và là người chấp bút đề án thành lập Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai Kon Tum năm 1988.

Phải đến năm 1985, các hoạt động văn học-nghệ thuật Gia Lai mới bắt đầu bùng nở, từ 2 cuộc sáng tác văn học và âm nhạc do Ty Văn hóa phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (nhạc sĩ Ngọc Tường có bài hát “Tình ca Măng Đen” nổi tiếng ở thời gian này). Hàng loạt tác giả xuất hiện và tồn tại như: Chử Anh Đào, Văn Công Hùng, Hương Đình, Phạm Đức Long, Thu Loan... (văn học), Y Brơm, Xuân La, Quang Tâm (múa), Huy Tuấn, Trần Phong, Huy Tịnh, Phạm Dực... (nhiếp ảnh), Ngọc Tường, Lê Xuân Hoan... (âm nhạc) và bây giờ vẫn là các tác giả chủ lực của văn học-nghệ thuật Gia Lai và cả nước...

Hoạt động văn học-nghệ thuật ở tỉnh lẻ có rất nhiều khó khăn, trong đó, ngoài yếu tố về không khí, điều kiện sáng tác cả tinh thần và vật chất thì định kiến là một trong những rào cản khá lớn mà anh chị em phải vượt qua. Bên cạnh đó, anh chị em lại đứng trước một vấn đề “sống còn” không chỉ với văn học-nghệ thuật, ấy là đầu ra.

Nói gì thì nói, hoạt động văn học-nghệ thuật ở các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng, vẫn dễ xử lý vấn đề đầu ra hơn. Tức là tác phẩm còn có thể bán được. Ở các tỉnh lẻ, khó khăn như Gia Lai chẳng hạn, sáng tác xong nhiều khi chỉ là để... cất hoặc bày (đọc, hát) cho nhau xem. Không nhà triển lãm, có mỗi một đoàn nghệ thuật mỗi khi dựng mới thì mời nhạc sĩ nơi khác tới, in sách xong tự bán...

Nhưng, điều kỳ lạ là, Gia Lai lại là tỉnh có rất nhiều văn nghệ sĩ thành danh, văn nghệ sĩ có tên tuổi, ngồi chung chiếu với các văn nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước. Trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hình như ít có tỉnh nào có nhiều văn nghệ sĩ được bầu vào Ban Chấp hành các hội Trung ương đến thế. Lần lượt chúng ta có các văn nghệ sĩ Gia Lai được bầu vào các Ban Chấp hành Trung ương các hội: Mỹ thuật (Xu Man), Nhà văn (Văn Công Hùng), Nhiếp ảnh (Trần Phong), Múa (Y Brơm, Xuân La, Quang Tâm), Nhạc sĩ (Lê Xuân Hoan). Cũng như thế, số hội viên Trung ương của tỉnh ta cũng rất đông, nếu tính trên đầu hội viên của tỉnh thì cũng là con số kỷ lục. Các tên tuổi văn nghệ sĩ Gia Lai hiện nay được công chúng cả nước biết có thể kể: Xu Man (họa sĩ), Y Brơm (nghệ sĩ múa) (đã mất), Hương Đình, Phạm Đức Long, Văn Công Hùng (nhà văn), Lê Hùng, Hồ Thị Xuân Thu, Trần Quang Lực (họa sĩ), Ngọc Tường, Lê Xuân Hoan (nhạc sĩ), Trần Phong, Phạm Dực, Huy Tịnh, Hồ Anh Tiến (nghệ sĩ nhiếp ảnh), Xuân La, Quang Tâm (múa), Nguyễn Quang Tuệ, Nguyễn Thị Kim Vân (nghiên cứu văn hóa dân gian)... Ấy là chưa kể rất nhiều tên tuổi mới và trẻ nhưng cũng đã đầy tiềm năng và khá nổi tiếng ở cả nước như: Ngô Thanh Vân, Đào An Duyên, Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn (văn học), Nguyễn Ngọc Hòa, Trần Hữu Hòa, Võ Đình Khoa, Trần Quang Hồng (nhiếp ảnh), Mai Quý Ngọc, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Chung (mỹ thuật), Phi Ưng, Thảo Nam Giang (âm nhạc) …

Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, đội ngũ văn nghệ sĩ Gia Lai đã làm được không ít việc, đóng góp ít nhiều vào sự phát triển của tỉnh. Tuy thế, so với yêu cầu và kỳ vọng, vẫn còn nhiều điều để nói, nhiều việc để phấn đấu...

Hoàng Hương Giang

  • Lượt truy cập: Sở Ngoại vụ

    Đang truy cập: Sở Ngoại vụ