HỘI NGHỊ TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI KHU VỰC TÂY NGUYÊN NĂM 2019

Ngày đăng: 08/11, 09:12

Ngày 05/11/2019, tại TP. Pleiku, Cục Y tế Dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Văn phòng Dự án phòng chống Dại Quốc gia tổ chức Hội nghị “Tăng cường phòng chống bệnh Dại khu vực Tây Nguyên” năm 2019.

            Tham dự Hội nghị có Ts. Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 04 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông) cùng Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh tại các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuộc 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Tại Gia Lai, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2014 - 10/2019 toàn tỉnh ghi nhận 21 trường hợp tử vong do bệnh dại, riêng trong năm 2019 số ca tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm với 08 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Kbang… Qua điều tra dịch tễ, 100% các trường hợp tử vong đều không được tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 80%.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham gia nhiều ý kiến về tăng cường phối hợp liên ngành phòng, chống bệnh dại trên người. Cụ thể như: Hoạt động liên ngành giữa thú y và y tế để kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật, chia sẻ thông tin, giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền cho học sinh về tình hình bệnh dại và các biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan khi bị chó, mèo cắn; huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh dại…

Hội nghị tăng cường phòng, chống bệnh dại  khu vực Tây Nguyên được tổ chức  nhằm đẩy mạnh việc chỉ đạo và tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh dại; kiện toàn hệ thống giám sát bệnh dại từ tuyến tỉnh đến huyện, xã và nhân viên y tế thôn; tăng cường giám sát, phát hiện người bị phơi nhiễm với vi rút dại, ca bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cưĐồng thời, các tỉnh khu vực Tây Nguyên quan tâm đầu tư mở rộng điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại tuyến tỉnh và huyện, đảm bảo các huyện đều có điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại và có trách nhiệm quản lý đàn chó, mèo; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên động vật để giảm nguy cơ người bị dại do chó, mèo cắn… nhằm đạt được các mục tiêu Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại, phấn đấu loại trừ bệnh dại trong khu vực ASEAN vào năm 2030.

 Phương Nga (Khoa TTGDSK - CDC)

  • Lượt truy cập: Sở Ngoại vụ

    Đang truy cập: Sở Ngoại vụ