MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC Ở TRẺ EM

Ngày đăng: 24/07, 10:22

Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy giáo,... Trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục bị tổn hại nặng nề về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là tính mạng.

Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương thể xác kéo dài do các bệnh như HIV/AIDS, lậu, giang mai và những bệnh lây lan qua đường tình dục khác, có thai ngoài ý muốn,… Ngoài ra, trẻ còn có thể chịu những tổn thương thể chất do phản kháng lại hành vi xâm hại tình dục.
 

Về mặt tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục thường cảm thấy sợ hãi, hoang mang, trầm cảm, rối loạn nhân cách,... Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý mà đôi khi trẻ em thường giấu việc bị người khác xâm hại. Vì thế phụ huynh thường khó phát hiện ra những bất thường của con em mình. Hậu quả của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là hết sức nghiêm trọng đối với nạn nhân, gia đình và xã hội.

Vì vậy, nhằm phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho bản thân, gia đình và xã hội, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc gọi về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 để được hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân, trang bị cho trẻ em biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em bị xâm hại; thống nhất hoạt động phối hợp liên ngành để xác minh, điều tra, xử lý các trường hợp xâm hại tình dục, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm.

Phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em không những là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội!

                                                                       Thu Loan – Trung tâm TT - GDSK

  • Lượt truy cập: Sở Ngoại vụ

    Đang truy cập: Sở Ngoại vụ